Đề thi THPT 2018 quá sức thí sinh?

Sáng 27/6, thí sinh đã hoàn thành kỳ thi THPT 2018. Đa số sĩ tử cho biết họ thiếu thời gian làm bài, phải khoanh bừa (bài thi Khoa học Tự nhiên). Nhiều chuyên gia và giáo viên cũng đánh giá đề thi một số môn khó và đặt ra câu hỏi liệu có phù hợp mục tiêu "hai trong một" của kỳ thi.

Xem thêm:

Kiệt sức với 150 phút 3 môn thi

Cô Đoàn Thúy Nga, giáo viên môn Sinh học, trường THPT Bùi Thị Xuân (TP.HCM), đánh giá đề thi môn Sinh năm nay khó hơn năm trước nhiều.

"Đề vừa dài vừa khó. Càng về cuối, đề lại có nhiều bài toán đếm và đều rơi vào câu khó. Những câu hỏi như vậy đòi hỏi nhiều thời gian và thí sinh phải bình tĩnh mới làm được. Một câu hỏi với nhiều ý, nếu các em trả lời sai, sẽ mất điểm cả câu", cô Nga cho hay.


Thí sinh bật khóc sau giờ thi Toán


Giáo viên này cũng cho biết thêm học sinh của mình đều than rất mệt. Nhiều em đầu óc căng thẳng, không thể tư duy tiếp sau khi kết thúc hai môn Lý, Hóa. Đến thời gian làm bài Sinh học, các em đuối sức và bị ảnh hưởng tâm lý từ môn trước.

Với đề thi năm nay học sinh khá, giỏi cũng chỉ có thể đạt điểm 7,5-8 và rất khó có điểm 9 trở lên. Theo cô Nga, đề thi khó chưa chắc đã phân loại tốt thí sinh như người ra đề kỳ vọng. Người ra đề dường như không tính đến khả năng thí sinh đuối sức sau 150 phút với 3 môn thi.

Đáng nói hơn, đề thi cả 3 môn trong bài Khoa học Tự nhiên đều được đánh giá dài và khó hơn năm trước nhiều. Trong khi đó, thí sinh chỉ có chưa tới 10 phút nghỉ ngơi giữa các môn nếu tính thời gian nộp lại đề, phiếu trả lời sau đó lại phát đề thi môn tiếp theo. Như vậy, thí sinh gần như không có thời gian nghỉ.

Thầy Đoàn Thành Trung, ĐH Khoa học Tự nhiên (TP.HCM), nhận định đề Hóa năm nay khó với lượng kiến thức rộng hơn năm ngoái. Ông cho biết một số giáo viên thử ngồi giải đề Hóa trong 50 phút nhưng cũng không thể hoàn thành hết đề thi. "40 câu hỏi với thời lượng 50 phút là quá sức với thí sinh", thầy Trung nói.

"Tôi cho rằng ra đề khó để phân loại thí sinh, phổ điểm đẹp là không nên, nếu thử thách thí sinh như vậy sẽ không có lợi. Các em năm sau cũng sa vào học thêm, học bớt, luyện chiêu, học mẹo mà thôi", thầy Trung nêu quan điểm.

120 phút với đề Văn là bất khả thi

Thời gian làm bài thi môn Văn cũng được cho là quá ngắn so với yêu cầu cần thí sinh giải quyết trong đề thi. Cô Trương Thị Bích Thủy, Hiệu trưởng trường THPT Trưng Vương (TP.HCM), chia sẻ là giáo viên dạy Văn 24 năm với một lần thi đại học, trải qua 3 giai đoạn thay đổi đề thi tốt nghiệp, đại học, từng dạy luyện thi, cô vẫn không tránh khỏi lúng túng khi đọc đề Văn.

Tương tự, thầy Trịnh Văn Quỳnh - giáo viên Ngữ văn trường THPT Lương Thế Vinh Nam, Nam Định, cho hay đề nghị luận văn học có kiến thức và phạm vi quá rộng khi có hai tác phẩm, một ở đầu chương trình lớp 11 và một tác phẩm ở cuối chương trình lớp 12. Dù có học cơ bản, học sinh cũng gặp khá nhiều khó khăn. Đề thi yêu cầu kỹ năng đòi hỏi học sinh phải phân tích, so sánh, bình luận là rất nặng, trong khi chỉ có 120 phút để làm bài.

Ngoài ra, theo giáo viên này, đề thi đọc hiểu văn bản ngôn ngữ có tích hợp kiến thức địa lý nên cách hỏi đặt vấn đề giống với văn bản khoa học hơn là đề Ngữ văn.

"Với đề thi như thế này, không biết năm tới học sinh và giáo viên sẽ phải ôn thi như thế nào", thầy Quỳnh nói.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến