Phải chăng đề thi THPT đang chạy theo dư luận?

Theo dõi sự tiến hóa của đề thi tốt nghiệp THPT môn Toán từ các đề minh họa 1, 2, 3 năm 2017, đến đề chính thức 2017, đề minh họa 2018 và cuối cùng là đề chính thức 2018, TS Trần Nam Dũng, ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết ông thất vọng vì người làm đề không có triết lý, chiến lược xây dựng đề. Điều này không khác gì so với việc đẽo cày giữa đường, thay đổi liên tục theo ý kiến dư luận.


"Năm ngoái ra dễ, nhiều điểm 10, dư luận kêu không phân loại được. Năm nay ra khó ít điểm 10, phân loại tốt hơn nhưng dư luận vẫn kêu? Chắc là năm sau sẽ ra dễ hơn? Các bài toán thực tế lúc xuất hiện, lúc lại không, cứ như là tung xúc sắc. Mà cũng chẳng có mấy bài ra dáng thực tế", thầy Dũng phân tích.
Xem thêm:

Trong khi đề thi được khẳng định chuẩn hóa và được biên soạn theo quy trình khoa học, thầy Dũng cho rằng từ khâu xây dựng ngân hàng câu hỏi, thi thử nghiệm đến chọn và phản biện đề không được tổ chức tốt.
Đồng tình với quan điểm này, ông Lê Đức Vĩnh, nguyên trưởng bộ môn Toán ĐH Nông nghiệp, cho rằng ngành giáo dục giống như đẽo cày giữa đường, chạy theo dư luận để điều hành việc thi cử.
Từng có thâm niên gần 20 năm ra đề thi đại học và 20 năm giảng dạy cho khối chuyên Lý ĐH Khoa học Tự nhiên, ông Vĩnh khẳng định đến giáo viên cũng khó làm được 40 câu của đề Toán trong 50 phút.
"Lẽ nào vì muốn hạn chế điểm 10, Bộ GD&ĐT cho phép những người ra đề lấy đề thi tự luận cho học sinh giỏi làm trong 40 phút bắt học trò của ta làm trong 2 phút. Nhưng để hạn chế điểm 10 mà người ra đề phải chọn những câu quá khó của hình thức thi tự luận đưa vào thi trắc nghiệm là một sai lầm", ông Lê Đức Vĩnh nói.
Theo ông, với đề thi năm nay, để phân loại chính xác thí sinh đạt điểm từ 6,5 tới 10 sẽ không dễ. Mặt khác, ông cũng cho rằng thi trắc nghiệm môn Toán là kiểu thi bóp chết tư duy logic, tư duy hệ thống, tư duy sáng tạo lẫn tư duy chính xác của môn này.
"Sử dụng hình thức thi theo kiểu bỏ trắng hoặc tô đen sẽ tạo ra một lớp cử nhân viết không thành câu, nói không thành lời, không biết cách diễn đạt suy nghĩ của mình và tạo cho học sinh có thói xấu đánh dấu bừa sẽ có tác hại khôn lường tới xã hội trong tương lai", ông Vĩnh nêu quan điểm cá nhân.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến