5 kỹ năng cần có của một sinh viên học trực tuyến

Một điều chắc chắn rằng cách học của bạn theo hệ đại học trực tuyến sẽ khác nhiều so với cách học đại học truyền thống. Do đó, bạn cần chuẩn bị những kỹ năng cần thiết để việc học tập đạt hiệu quả tốt.

Những kĩ năng hết sức quen thuộc sau đây sẽ giúp ích rất nhiều cho bạn trong thời gian học trực tuyến


1. Kỹ năng học trực tuyến tại nhà



Phần lớn thời gian của đại học trực tuyến là ngay tại nhà, do đó bạn cần chuẩn bị một không gian tốt phục vụ cho việc học. Tiêu chí của không gian này cần là sự yên tĩnh, tránh tiếng ồn, tuy nhiên đừng là sự im lặng đến đáng sợ. Có thể tốt hơn nếu có một chút âm nhạc không lời với giai điệu phù hợp.

Về thời gian, bạn nên chọn một thời gian học cố định và tạo cho mình thói quen học theo kế hoạch thời gian đó. Cần có lịch học thật hợp lý, kết hợp giữa học tập và nghỉ ngơi. Hãy chia sẻ và cùng tìm giải pháp nếu gặp phải những vấn đề khó khăn. Chủ động là điều mà các bạn sinh viên hệ đại học trực tuyến cần rèn luyện

2. Kĩ năng ghi nhớ tốt:



Ghi nhớ là một kỹ năng sống cực kỳ quan trọng và cần thiết, nó không chỉ giúp ích trong việc học của bạn mà cả trong cuộc sống hằng ngày. Nó giúp bạn nhớ được kiến thức và hệ thống hóa kiến thức tốt hơn, giảm được thời gian học tập. Nhưng không phải bạn nhớ từng câu từng chữ trong tập giáo trình, mà bạn ghi nhớ có chọn lọc, nhớ trọng tâm, những ý chính mà bài giảng đề cập đến.

3. Kỹ năng đọc sách

Học đại học từ xa qua internet là bạn phải tự chủ động học trong các tài liệu dạng Video, Ebook. Vì thế, bạn phải đọc rất nhiều tài liệu, rất nhiều sách mà nhà trường cung cấp. Rèn luyện kỹ năng đọc sách sẽ giúp bạn rất nhiều trong việc học.

Ngoài những tài liệu mà nhà trường cung cấp, hãy chọn cho mình những cuốn sách có ích thay vì những cuốn sách có ít tác dụng. Tìm cho mình những phương pháp đọc sách nhanh và có hiệu quả. Bạn nên dùng bút đánh dấu những chỗ quan trọng hay chưa hiểu để có thể xem lại. Trong khi đọc, thỉnh thoảng dừng đọc và đặt những câu hỏi kích thích và tự tìm câu trả lời. Đọc sách là cách để bạn bổ sung kiến thức, nhưng khi thời lượng có hạn hoặc sách cần đọc quá nhiều thì bạn cần những "tuyệt chiêu" giúp "đánh nhanh rút gọn" mà phải thật hiệu quả.

Tăng "khẩu độ" mắt: Tốc độ xử lí của mắt nhanh hơn chúng ta tưởng rất nhiều, vì vậy để mắt đọc từng chữ là vô cùng lãng phí. Để tăng tốc độ đọc chúng ta không nên đọc từng chữ mà cần đọc nhiều chữ cùng một lúc. Theo nghiên cứu, trung bình trong một tích tắc mắt có thể đọc được từ 3 đến 5 chữ, đây gọi là khẩu độ mắt. Khẩu độ mắt sẽ được trợ giúp bằng tốc độ lia đi của “vật chỉ đường” như đã nhắc ở trên và tất nhiên sẽ tăng lên bằng việc rèn luyện đọc hằng ngày.



4. Kỹ năng giải tỏa stress

Một ngày dài làm việc suốt 8 tiếng, tối đến bạn phải tranh thủ thời gian dành cho việc học, chắc chắn không ít lần bạn gặp phải stress. Để giải tỏa stress hiệu quả, đầu tiên là đừng để stress xảy ra bằng sự chuẩn bị kĩ càng về các mặt của đời sống và học tập. Còn nếu đã bị stress hãy loại bỏ nó bằng việc nghỉ ngơi thư giãn: gặp bạn bè, đi dạo, nghe nhạc, chơi thể thao,…

Một kỹ năng sống quan trọng để ngăn ngừa và vượt qua stress, đó là biết cách sắp xếp hợp lý, cân bằng các hoạt động trong cuộc sống. Thế nào là hợp lý và cân bằng? Đó là khi bạn làm chủ và điều khiển được các hoạt động theo thứ tự ưu tiên về mục tiêu, tầm quan trọng, thời gian, nội dung, phương pháp. Đối với sinh viên, dĩ nhiên học tập hiệu quả là mục tiêu hàng đầu, bên cạnh đó là cân bằng công việc, sinh hoạt gia đình và hoạt động thể dục thể thao,...

5. Kỹ năng chuẩn bị và làm bài kiểm tra

Kết thúc mỗi học phần, sinh viên đều phải đến trường để làm bài thi tập trung. Các bài thi này sẽ đánh giá kết quả học tập trong một kỳ của sinh viên. 

Bước vào kỳ thi, đầu tiên bạn phải xác định các tài liệu liên quan để ôn tập, sắp xếp những gì ghi chép được, hệ thống hóa kiến thức, ước lượng xem cần bao lâu để ôn tập. Chia nhỏ những gì bạn học thành từng phần.
Phân chia thời gian ôn thi hợp lí. Học nhóm sẽ hoàn thiện những lỗ hổng cá nhân. Hãy tập trung vào những bài học thầy cô nhấn mạnh trong quá trình học trên lớp. Cuối cùng là đừng để nước đến chân mới nhảy. Đa phần cách học của sinh viên hiện nay là bình thường thì “chơi dài”, đến lúc thi thì “cày ngày, cày đêm”. Điều này ai cũng biết là không tốt nhưng không phải ai cũng công nhận. Hãy bắt đầu thay đổi ngay từ bây giờ

Nhận xét

Bài đăng phổ biến